Tìm kiếm tin tức
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc
Ngày cập nhật 05/04/2023

TTH - Không chỉ am hiểu những món ăn truyền thống của người đồng bào mình, ông Hồ Nhật Tân (SN 1958, người đồng bào Tà Ôi, ngụ xã A Ngo, huyện A Lưới) còn có khả năng học ngôn ngữ của dân tộc khác rất nhanh...

 

 

“Giữ lửa” các món ăn

Nhắc về chủ đề nấu nướng, ông Tân có thể nói say sưa không dứt, nhất là những món ngon truyền thống của đồng bào mình. Từ cách lên rừng, lên rẫy hái các loại gia vị đặc trưng, thơm ngon từ núi rừng, rồi cách chế biến sao cho các món ăn toát ra được cái hồn cốt của núi non. Ông Tân nói, mỗi món ăn có một quy trình tẩm ướp khác nhau, cách giữ lửa sao cho mùi vị đậm đà thơm ngon nhất, tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu hết.

Thích nấu nướng, nên ông thường tham gia các cuộc thi, liên hoan, hội chợ, lễ hội ẩm thực do huyện, tỉnh tổ chức như liên hoan ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế… Những món ăn truyền thống của người đồng bào được ông thể hiện một cách khéo léo như a siêu hor ngko (cá nướng ống), kâr cheek klo (ốc nướng lá), lạp thịt, lạp cá… Theo ông Tân đây chính là cơ hội để giới thiệu về nét đẹp, các giá trị độc đáo, đặc trưng của người đồng bào, đặc biệt là bảo tồn, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình không bị mai một.

Ông Tân nhớ dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2019, khi ông giới thiệu món târ rong (cháo thập cẩm) của người Tà Ôi và được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Ông Tân nói, món târ rong chế biến rất công phu và tốn thời gian, nên chỉ vào các dịp lễ tết, cưới hỏi, hoặc khi con rể quý về thăm nhà mới nấu.

Những kỹ năng nấu nướng của ông Tân xuất phát từ việc đi làm rừng, làm rẫy, tự tìm tòi, học hỏi và được vun đắp qua những lần tham gia lễ hội ở vùng cao. Có nhiều món, ông tự sáng tạo ra như món nấm rừng nướng lá, nấm rừng nướng ống. Nấu ăn thấy ngon thì truyền lại cho mọi người trong bản làng cùng biết để chế biến...

“Lan tỏa” các ngôn ngữ

Không chỉ am hiểu về ẩm thực của người vùng cao, ông Hồ Nhật Tân còn thông thạo tiếng Pa Cô, Tà Ôi, Kơ Tu, và nói được hầu hết các khẩu ngữ ở địa phương. Đó là lý do mà gần 20 năm nay, ông được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới mời tham gia giảng dạy theo hợp đồng tiếng Pa Cô, Tà Ôi, Kơ Tu, Pa Hy cho bộ đội biên phòng và cán bộ, viên chức về đây công tác.

Ông Tân có khả năng học ngôn ngữ của các dân tộc khác rất nhanh. Chỉ cần giao tiếp vài lần, là ông có thể nghe, nói thông thạo. Đó không chỉ là năng khiếu của bản thân, mà còn do ông thường xuyên đi nhiều, thích tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi văn hóa của các bản làng nơi mình sinh sống. 

Những cán bộ từ miền xuôi lên vùng cao công tác, thường gặp trở ngại về ngôn ngữ, gây nhiều khó khăn trong quá trình làm công tác vận động quần chúng. “Mỗi một làng, một xã đều có khẩu ngữ khác nhau. Nên cán bộ đến cụm đồng bào nào để công tác, tôi sẽ dạy khẩu ngữ tại địa phương đó, để cán bộ dễ dàng hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng”, ông Tân cho biết.

Tham gia giảng dạy tiếng đồng bào, ông Tân tự xây dựng đề cương giảng dạy, biên soạn giáo án. Các lớp học diễn ra cũng đa dạng với thời gian dài ngắn khác nhau.

Ông Tân hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở xã A Ngo, vừa là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Trung ương (Đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số). Ở tuổi 64, ông Tân mỗi ngày vẫn bận rộn với công việc làm lúa, làm ngô trên nương rẫy, nhưng vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương.

Bà Lê Thị Thêm – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho biết, ông Hồ Nhật Tân là người luôn khơi dậy văn hóa truyền thống và tích cực tuyên truyền, truyền dạy cho thế hệ trẻ biết về văn hóa, lễ hội, các thể loại dân ca, phong tục tập quán tốt đẹp.

Thừa Thiên Huế Online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 3